Dịch vụ tại Vnbays

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Quần thể Di tích Huế bạn biết là những gì chưa?

Giá trị Nổi bật Toàn cầu của Quần thể Di tích Huế: hiểu thêm về những khái niệm và yêu cầu của Công ước Di sản Thế giới

Quần thể di tích Huế - Di sản Văn hóa Thế giới - bao gồm các di tích thuộc nhiều loại hình: thành quách, đền miếu, lăng tẩm, chùa chiền..v..v…với bề dày lịch sử của một trung tâm hành chính xứ Đàng Trong vào thế kỷ 17-18 và kinh đô của cả nước từ 1802-1945. Trong số các di tích, Kinh thành Huế được quy hoạch dựa trên những nguyên tắc triết lý cổ của phương Đông nói chung và theo truyền thống của Việt Nam nói riêng, tạo nên sự hài hòa giữa quy hoạch kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên mang đậm ý nghĩa biểu tượng. Mối quan hệ âm dương, ngũ hành thể hiện qua 5 phương hướng chủ yếu (trung tâm, đông, tây, nam, bắc), 5 yếu tố cơ bản của tự nhiên (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), và 5 màu cơ bản (vàng, trắng, xanh, đen, đỏ) là cơ sở cho ý tưởng quy hoạch của Kinh thành, được phản ánh trong tên gọi của nhiều công trình quan trọng ở khu vực này. Đây cũng là thành lũy đầu tiên ở Đông Nam Á được làm theo kiểu Vauban của phương Tây với quy mô hoàn chỉnh nhất, được hoàn tất với sự đóng góp công sức của hàng ngàn nhân công và binh lính huy động từ các địa phương trong cả nước.
Bên ngoài Kinh Thành còn có nhiều di tích quan trọng khác có liên quan. Những di tích này bao gồm các lăng tẩm của triều Nguyễn ở phía nam của sông Hương, các đền miếu, chùa chiền và phủ đệ với những giá trị không chỉ về mặt kiến trúc mà còn về cảnh quan của chúng.

Sông Hương, đoạn chảy qua Kinh thành Huế
Với những đặc điểm ấy, quần thể di tích Huế là một ví dụ độc đáo về việc quy hoạch và xây dựng một kinh đô phòng thủ hoàn chỉnh trong giai đoạn tương đối ngắn vào những năm đầu thế kỷ 19. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, tính toàn vẹn của quy hoạch đô thị và thiết kế xây dựng đã đưa Huế trở thành một mẫu mực hiếm có về quy hoạch đô thị vào cuối thời phong kiến. Đồng thời, quần thể di tích cố đô Huế cũng được xem là một ví dụ nổi bật về một loại công trình xây dựng, một quần thể kiến trúc hoặc kỹ thuật hoặc một cảnh quan minh chứng cho một (hoặc nhiều) giai đoạn trong lịch sử nhân loại (tiêu chí thứ iv) theo Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới. Vì những giá trị đó, tháng 12 năm 1993, quần thể di tích Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Cũng theo Hướng dẫn này, các Di sản Thế giới sẽ có một Tuyên bố về Giá trị Nổi bật Toàn cầu, tức là Tuyên bố về những “giá trị đặc biệt về mặt thiên nhiên và/hoặc văn hóa vượt qua các ranh giới quốc gia và có ý nghĩa to lớn đối với thế hệ hiện tại và tương lai của toàn thể nhân loại”.
Khi Ủy ban Di sản Thế giới nhất trí công nhận một di sản là Di sản Thế giới, Ủy ban cũng sẽ thông qua bản Tuyên bố Giá trị Nổi bật Toàn cầu của di sản đó, trong đó nêu rõ lý do tại sao di sản đó được cho là có Giá trị Nổi bật Toàn cầu, mức độ di sản đó thỏa mãn các tiêu chí liên quan, các điều kiện về tính toàn vẹn (đối với cả di sản thiên nhiên và di sản văn hóa), tính chân xác (đối với di sản văn hóa), và mức độ di sản đó đáp ứng các yêu cầu về bảo tồn và quản lý nhằm duy trì bền vững Giá trị Nổi bật Toàn cầu của di sản.
Đối với Ủy ban Di sản Thế giới và các Cơ quan Tư Vấn, Tuyên bố Giá trị Nổi bật Toàn cầu sẽ là tài liệu tham khảo cần thiết cho công tác giám sát, bao gồm Báo cáo Định kỳ và giám sát phản hồi các Khuyến nghị mà Ủy ban đã đưa ra, việc hiệu chỉnh đường ranh giới, thay đổi tên di sản và việc đưa di sản vào Danh sách Di sản Thế giới đang lâm nguy. Cuối cùng, Tuyên bố Giá trị Nổi bật Toàn cầu sẽ là tài liệu tham khảo cho việc xem xét khả năng đưa di sản khỏi Danh sách Di sản Thế giới.
Do vậy, Tuyên bố Giá trị Nổi bật Toàn cầu rất có ý nghĩa đối với Quốc gia Thành viên và các bên liên quan trong việc bảo tồn và quản lý di sản. Tuyên bố Giá trị Nổi bật Toàn cầu sẽ được Ủy ban Di sản Thế giới thông qua tại thời điểm công nhận một di sản là Di sản Thế giới. Tuy nhiên, thủ tục này mới chỉ được tiến hành gần đây, khi yêu cầu về Tuyên bố Giá trị Nổi bật Toàn cầu lần đầu tiên được đưa vào trong cuốn Hướng dẫn Thực hiện Công ước năm 2005 và được đưa vào thực hiện từ năm 2007.
Quần thể Di tích Huế cũng như các di sản khác được công nhận là Di sản Thế giới từ năm 2005 trở về trước sẽ phải soạn thảo Tuyên bố Giá trị Nổi bật Toàn cầu của di sản để bổ sung vào hồ sơ, dựa trên các tài liệu cơ bản như: bản gốc quyết định của Ủy ban Di sản Thế giới tại thời điểm công nhận Di sản; bản gốc đánh giá về di sản của Cơ quan Tư Vấn thuộc UNESCO và bản gốc hồ sơ đề cử.
Đối với di sản Huế, tính toàn vẹn của di sản được tìm thấy trong điều kiện nguyên vẹn của quần thể các di tích và đặc biệt là trong ý nghĩa của cảnh quan thiên nhiên chứa đựng những nguyên tắc phong thủy mang tính quyết định đối với việc lựa chọn vị trí và thiết kế của các di tích. Với tất cả những yếu tố ấy, cảnh quan thiên nhiên là một bộ phận không thể tách rời của di sản văn hóa Huế. Kể từ khi hình thành, cả hai đã là một trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ về vật chất (ở khía cạnh địa điểm, vị trí địa lý) lẫn ý nghĩa tâm linh (ở khía cạnh phong thủy). Chính sự hòa quyện giữa những nét sơn kỳ thủy tú, đặc điểm địa hình của núi sông, gò đảo với sự vận dụng sáng tạo của con người trong quy hoạch, xây dựng đã góp phần hình thành nên giá trị nổi bật và độc nhất vô nhị của đô thị Huế.
 Dựa vào Hồ sơ đề cử Quần thể Di tích Huế là Di sản Thế giới đã được phê duyệt năm 1993, bản Đánh giá của Cơ quan Tư Vấn ICOMOS về trường hợp của Quần thể Di tích Huế và nội dung các Quyết định của Ủy ban Di sản Thế giới, dự thảo Tuyên bố Giá trị Nổi bật Toàn cầu của Huế đã được biên soạn và thực hiện theo đúng quy trình mà UNESCO yêu cầu. Như trên đã đề cập, một khi Tuyên bố này được chính thức thông qua, Tuyên bố Giá trị Nổi bật Toàn cầu của Huế sẽ là tài liệu tham khảo cơ bản cho công tác giám sát của Ủy ban Di sản Thế giới đối với việc phản hồi các Khuyến nghị mà Ủy ban đã đưa ra, việc thay đổi phạm vi khoanh vùng bảo vệ và đặc biệt là giám sát việc bảo đảm duy trì tính  toàn vẹn và tính chân xác của di sản.
Giá trị Nổi bật Toàn cầu của Di sản Huế nhìn từ Tính toàn vẹn của yếu tố cảnh quan
Trong cách nhìn của các vua triều Nguyễn, vị trí địa lý của Huế không chỉ mang tầm quan trọng về mặt giao thông, phòng thủ mà còn mang ý nghĩa đặc biệt về phong thủy mà theo đó, họ tin rằng các yếu tố trong tự nhiên có sức mạnh chi phối đến sự thịnh suy của cả triều đại. Vì thế, các cụm công trình kiến trúc quan trọng của Huế được quy hoạch dưới thời Nguyễn đều được thiết kế gắn liền với yếu tố cảnh quan phong thủy, đặc biệt là hồ nước (hoặc sông, suối..), núi án, núi chầu... Những hình ảnh và địa danh nổi tiếng của Huế đã đi vào thơ ca, nhạc họa cũng chính là những yếu tố phong thủy của kiến trúc cung đình Huế như sông Hương, núi Ngự Bình, cồn Hến, cồn Dã Viên, các cụm kiến trúc lăng tẩm, đền đài và cảnh quan thiên nhiên gắn liền với chúng. Đây cũng là đặc điểm về thiết kế cảnh quan – một trong những Giá trị Nổi bật Toàn cầu mà nhờ đó Huế được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Kể từ thời điểm hình thành cho đến khi triều Nguyễn cáo chung, trong suốt thế kỷ XIX cho đến đầu thế kỷ XX, diện mạo của quần thể kiến trúc cố đô Huế được giữ gìn và củng cố bởi bộ Công của triều đình, được định hướng bởi những điều cấm, những quy định của triều đình và quan trọng hơn cả là những tư tưởng quy hoạch liên quan mật thiết đến phong thủy-yếu tố có tính quyết định đối với việc lựa chọn vị trí và thiết kế các công trình. Những điều này đã mang lại cho tổng thể quy hoạch Huế ý nghĩa biểu tượng quan trọng cũng như sự thống nhất trong cách thể hiện.
Hiện nay, việc bảo vệ những Giá trị Nổi bật Toàn cầu của di sản Huế được thực hiện theo Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới 1972, Luật Di sản Văn hóa của quốc gia (2001, điều chỉnh năm 2009) và nhiều quy định, quyết định khác ở cấp địa phương.
Trước thực tế “Di sản Văn hóa và Thiên nhiên ngày càng bị đe dọa hủy hoại không chỉ do những nguyên nhân truyền thống mà còn do những biến động xã hội và kinh tế làm tăng thêm mức độ trầm trọng…”, Công ước về bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới được UNESCO và các quốc gia thành viên thông qua từ ngày 16/11/1972. Một trong những nội dung của Công ước ghi rõ: “Mỗi quốc gia tham gia Công ước này công nhận bổn phận đảm bảo việc xác định, bảo vệ, bảo tồn, phát huy và chuyển giao cho các thế hệ mai sau Di sản Văn hóa và Thiên nhiên tọa lạc trong lãnh địa của mình…Họ sẽ nỗ lực đem hết sức mình vận dụng tối đa các tiềm năng có trong tay để thực thi nhiệm vụ này…”.
Theo tinh thần  của Công ước Di sản Thế giới nói trên và theo những tiêu chí mà Quần thể Di tích Huế đáp ứng khi được ghi tên vào Danh mục Di sản Thế giới, việc bảo vệ tính toàn vẹn của di sản liên quan mật thiết đến việc giữ gìn nguyên vẹn những yếu tố cảnh quan phong thủy của Huế. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa hiện nay, việc bảo đảm để những giá trị ấy vẫn giữ được tính chân xác và tính toàn vẹn không phải là một điều đơn giản, đặc biệt là việc bảo vệ những yếu tố cảnh quan phong thủy trong phạm vi rộng hàng ngàn mét, thậm chí cả vài cây số lại càng là chuyện không dễ, nếu không muốn nói là bất khả thi. Có nhiều trường hợp phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích không thể bao trùm hết mọi khu vực mang yếu tố cảnh quan phong thủy của công trình bởi quá xa, quá rộng. Có thể kể đến trường hợp của Kinh thành Huế, của lăng Gia Long, lăng Tự Đức, v..v..với những yếu tố đồi, núi mang ý nghĩa “tiền án”, “hậu chẩm”, “tả thanh long”, “hữu bạch hổ”…nằm cách xa khu vực chính đến vài ngàn mét. Ngày nay, những khu vực có di tích và cảnh quan phong thủy cũng là nơi tập trung đông dân cư và các công trình phục vụ đời sống dân sinh. Việc xác định phạm vi có đầy đủ yếu tố phong thủy chứa đựng những ý nghĩa triết lý mang tính biểu tượng nói trên có thuộc “yếu tố gốc cấu thành di tích” hay không, phạm vi khoanh vùng bảo vệ đến đâu để bảo vệ tính toàn vẹn và chân xác của những yếu tố này chắc chắn sẽ là một bài toán khó không chỉ cho các nhà bảo tồn, mà còn cả cho các nhà hoạch định chính sách và quy hoạch đô thị.
Theo Luật Di sản mới được sửa đổi năm 2009, khu vực bảo vệ I là “vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích”, khu vực bảo vệ II là “vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I”. Nếu xem những yếu tố phong thủy làm nên ý nghĩa biểu tượng độc đáo của di tích Huế là “yếu tố gốc cấu thành di tích” thì những ngọn đồi “tiền án”, “hậu chẩm”, “thanh long”, “bạch hổ”…sẽ cần phải được đưa vào phạm vi khoanh vùng bảo vệ để bảo vệ tính toàn vẹn của toàn bộ cảnh quan của di tích. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa ban hành năm 2009, việc xây dựng các công trình trong phạm vi khu vực I bảo vệ di tích sẽ phải “được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó” và “Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích”
Để Huế có thể gìn giữ được Tính toàn vẹn và Tính chân xác của những Giá trị Nổi bật Toàn cầu, cần có sự nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc và đúng đắn về ý nghĩa và giá trị của cảnh quan văn hóa Huế để từ đó đưa ra những chính sách phù hợp, đặc thù riêng cho Huế như: giải pháp giới hạn độ cao của công trình trong khu vực có cảnh quan liên kết, giải pháp về màu sắc của công trình để đảm bảo sự hài hòa với cảnh quan… kết hợp với công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về những giá trị và lợi ích mà một Di sản Thế giới có thể mang lại, về những quy định của Luật Di sản Văn hóa, về những yêu cầu Công ước Di sản Thế giới và những chính sách quy hoạch hiện nay của địa phương. Bên cạnh đó, những đặc điểm về kiến trúc cảnh quan trên một phạm vi rộng của Huế cũng cần được áp dụng một mô hình “đô thị di sản” riêng cho Huế với một hành lang pháp lý phù hợp để đảm bảo cho sự phát triển song song với việc bảo tồn Di sản Văn hóa, trong đó có chiến lược tổng thể về quy hoạch xây dựng của thành phố nhằm bảo đảm gìn giữ các yếu tố phong thủy của các di tích còn nguyên vẹn trong bối cảnh ngày càng nhiều công trình xây dựng mọc lên, che lấp hoặc thậm chí xóa nhòa mối liên kết giữa công trình kiến trúc của di tích và cảnh quan thiên nhiên-phong thủy. Đây cũng là quan điểm của Đề án Điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 7 tháng 6 năm 2010 vừa qua: “Bảo vệ và tôn tạo cảnh quan kiến trúc đô thị và cảnh quan thiên nhiên trong quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố Huế không tách rời cảnh quan kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên của quần thể di tích cố đô Huế” với mục tiêu “Phát huy mọi giá trị quý giá của di sản văn hóa cố đô Huế, bao gồm giá trị di sản văn hóa vật thể, giá trị di sản văn hóa phi vật thể và giá trị di sản văn hóa môi trường cảnh quan đô thị và thiên nhiên trong việc giáo dục, giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân”.
Huỳnh Thị Anh Vân

Travel Backlinks

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Về Chúng Tôi

Banner

Trao đổi links